Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hiện chiếm một nửa số ca lây nhiễm trên thế giới.
Nhưng Omicron là thuật ngữ bao trùm cho một số dòng có liên quan gần gũi của virus corona SARS-CoV-2, trong đó phổ biến nhất là dòng BA.1.
Hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á và châu Âu, đang tìm hiểu sự gia tăng ca nhiễm gây ra bởi BA.2.
Trong khi BA.2 có vẻ lây lan hơn các chủng trước, vẫn chưa có dữ liệu nào cho thấy rằng nó nguy hiểm hơn.
Vậy thì chúng ta nên lo lắng ra sao về biến thể mới xuất hiện này? Dưới đây là những gì chúng ta được biết về nó.
Khi virus đột biến thành các chủng mới, chúng đôi khi phân tách hoặc phân nhánh thành các dòng phụ. Ví dụ, biến thể Delta bao gồm 200 biến thể phụ khác nhau.
Điều tương tự xảy ra với Omicron, bao gồm dòng BA.1, BA.2, BA.3 và B.1.1.529.
BA.1 chiếm hầu hết số ca lây nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 99% DNA của virus đã nhập vào cơ sở dữ liệu GISAID toàn cầu tính đến ngày 25/01 được xác định là biến thể phụ này.
Tuy BA.1 và BA.2 tương tự nhau, chúng cách nhau 20 đột biến.
Không rõ BA.2 có nguồn gốc từ đâu, nhưng nó được phát hiện lần đầu tiên ở Philippines vào tháng 11/2021.
Biến thể phụ của Omicron hiện được phát hiện ở 57 quốc gia, WHO cho biết. Ở một số nước, BA.2 chiếm hơn một nửa số ca nhiễm Omicron được giải trình tự gen, WHO cho biết thêm.
Ở một số nơi, sự gia tăng trường hợp nhiễm biến thể phụ được ghi nhận là rất rõ rệt.
Theo Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch (SSI), tỷ lệ lây nhiễm bởi BA.2 đã tăng, chiếm khoảng một nửa trường hợp nhiễm Covid được báo cáo ở trong nước vào tháng Một.
Ấn Độ là một quốc gia mà BA.2 đang nhanh chóng thay thế chủng Delta và Omicron BA.1, theo nhà sinh học phân tử Bijaya Dhakal.
Nó đã trở thành biến thể chủ đạo ở một số bang và có thể là đã dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ ba ở đất nước này.
Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết dòng phụ BA.2 đã phổ biến trong các mẫu mà họ nhận được vào cuối tháng Một.
Và ở xứ Anh, hơn 1.000 trường hợp nhiễm BA.2 đã được xác nhận, theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA). Nó được chỉ rõ là một "biến thể đang được điều tra" bởi cơ quan y tế Anh, có nghĩa là họ đang theo dõi chặt chẽ, nhưng không quá lo lắng về nó.
Các trường hợp nhiễm BA.2 ở Đức đang tăng nhanh hơn BA.1 và Delta, theo Tiến sĩ Meera Chand, Giám đốc phụ trách Covid-19 tại UKHSA.
Một nghiên cứu trên 8.500 hộ gia đình và 18.000 người được thực hiện bởi SSI của Đan Mạch phát hiện ra rằng BA.2 "về căn bản" có khả năng lây lan cao hơn BA.1.
Nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng cho thấy biến thể phụ BA.2 có khả năng né vaccine tốt hơn.
Tuy nhiên, người được tiêm vaccine vẫn ít có khả năng bị nhiễm hơn so với người không tiêm vaccine, và khả năng lây truyền virus của họ cũng thấp hơn.
Một nghiên cứu riêng của Vương quốc Anh cũng cho thấy khả năng lây lan cao hơn của BA.2 so với BA.1.
Nhưng đánh giá sơ bộ chỉ ra rằng không có bằng chứng cho thấy vaccine sẽ kém hiệu quả hơn trong việc chống lại bệnh có triệu chứng với cả hai biến thể phụ này.
Không có dữ liệu để nói rằng BA.2 dẫn tới bệnh nặng hơn so với các biến thể phụ trước của Omicron.
"Nhìn vào các quốc gia khác nơi mà BA.2 hiện đang vượt lên, chúng tôi không thấy có bất kỳ tỷ lệ nhập viện nào cao hơn dự kiến," Tiến sĩ Boris Pavlin của WHO nói.
Francois Balloux, Giáo sư và là Giám đốc Viện Di truyền UCL, nói rằng BA.1 và BA.2 có thể được coi là hai dòng phụ khá tương đương về mặt dịch tễ học của Omicron".
Cũng như các biến thể trước, các chuyên gia tin rằng vaccine sẽ tiếp tục có hiệu quả cao chống lại bệnh nặng, nhập viện, và tử vong.
Tiến sĩ Chand nói: "Cho đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác định liệu BA.2 có gây ra bệnh nặng hơn Omicron BA.1 hay không.
"Chúng ta phải duy trì cảnh giác và thực hiện tiêm vaccine. Tất cả chúng ta nên tiếp tục xét nghiệm nhanh định kỳ và thực hiện xét nghiệm PCR nếu có triệu chứng phát triển."