Ví sao phải đo độ gò tử cung

Vì sao phải đo cơn gò bằng máy monitor?

 
 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Theo dõi tim thai và đo cơn gò bằng máy monitor đóng vai trò rất quan trọng. Việc này giúp đánh giá sức khỏe thai nhi, phát hiện tình trạng suy thai sớm, phát hiện những bất thường về cơn gò để bác sĩ có hướng xử trí kịp thời, đúng đắn, đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.

1. Ý nghĩa của việc sử dụng máy đo monitor đo tim thai và cơn gò

Đo monitor để làm gì? Monitor sản khoa ghi lại nhịp tim thai và hoạt động của cơ tử cung với đường biểu diễn là CTG. Việc đánh giá, phân tích các đường ghi tại CTG giúp đánh giá đặc điểm nhịp tim thai và hoạt động của cơn co tử cung.

Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng máy đo monitor sản khoa đóng vai trò rất quan trọng. Bất cứ sự sai lệch nào vượt ra ngoài đường biểu diễn cũng cần được phân tích, đưa ra kết luận đúng đắn trong quá trình theo dõi chuyển dạ để tránh tình trạng can thiệp muộn hoặc can thiệp khi chưa thực sự cần thiết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Như vậy, mục đích của việc theo dõi nhịp tim thai và đo cơn gò bằng máy monitor trước và trong khi chuyển dạ là phát hiện những biểu hiện bất thường nhằm xử trí, can thiệp phù hợp. Ngoài nhân viên y tế thì sản phụ và người nhà sản phụ cũng cần có những hiểu biết cần thiết về vấn đề này nhằm cùng phối hợp thực hiện. Sự theo dõi cần phải được tiến hành đúng theo quy trình hướng dẫn nhằm kịp thời phát hiện thai suy, cơn co tử cung bất thường, sự đáp ứng của tim thai đối với cơn co tử cung để can thiệp sớm, đảm bảo mẹ tròn con vuông.

2. Thực hiện theo dõi tim thai và đo cơn gò bằng máy monitor

Việc theo dõi liên tục cần được thực hiện chặt chẽ trước khi chuyển dạ và trong khi chuyển dạ. Việc này giúp bác sĩ phát hiện những tình huống bất thường để xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra.

2.1 Theo dõi trước khi chuyển dạ

Việc theo dõi nhịp tim và đo cơn gò trước khi chuyển dạ giúp đánh giá tình trạng thiếu oxygây suy thai. Có 2 thử nghiệm theo dõi thai gồm: Thử nghiệm không đả kích (theo dõi nhịp tim thai đơn thuần, không cần tạo cơn co tử cung) và thử nghiệm đả kích (theo dõi nhịp tim thai tương ứng với cơn co tử cung).

2.2 Theo dõi trong khi chuyển dạ

Việc theo dõi nhịp tim thai và đo cơn gò trong khi chuyển dạ được chỉ định thực hiện cho mọi sản phụ nếu có điều kiện, áp dụng cho những trường hợp thai nghén có nguy cơ cao: Sản phụ mắc bệnh ảnh hưởng tới thai nhi, lớn tuổi, có tiền sử sản khoa nặng nề, có dấu hiệu nghi ngờ thai suy hoặc thai kém phát triển trong tử cung, rối loạn cơn co tử cung, chuyển dạ có ối vỡ non, ối vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài hoặc tử cung có vết sẹo mổ cũ,...

Cần chuẩn bị phương tiện gồm máy đo monitor sản khoa ghi cơn co tử cung và nhịp tim thai. Sản phụ cần được giải thích về mục đích theo dõi và cách thức tiến hành. Kỹ thuật thực hiện bằng cách đặt đầu dò ghi cơn co tử cung và nhịp tim thai, ghi biểu đồ nhịp tim thai và cơn co tử cung, ghi một số thông tin cần thiết về sản phụ trên băng giấy ghi của máy. Phân tích kết quả về: Nhịp tim thai về tần số, đường tim thai cơ bản và độ dao động, sự thay đổi của tim thai khi có cơn co tử cung; cơn co tử cung về tần số, biên độ và trương lực cơ bản của tử cung.

Phân tích đường biểu diễn cơn co tử cung

Đo cơn gò bằng máy monitor và phân tích đường biểu diễn như sau:

3.1 Cơn co tử cung bình thường

Cơn co tử cung bình thường nếu có những chỉ số sau:

  • Trương lực cơ bản: Từ 8 – 10 mmHg;
  • Cường độ cơn co: Biên độ dao động ở mức tối đa không kể trương lực cơ bản;
  • Tần số: Số lần xuất hiện cơn co tử cung trong 10 phút:
    • Giai đoạn tiềm thời: Trung bình 3 cơn gò trong 10 phút với cường độ 40 mmHg;
    • Giai đoạn hoạt động: Trung bình 3 – 4 cơn gò/10 phút với cường độ 60 – 100 mmHg;
    • Khi cổ tử cung gần trọn: Trung bình 4 – 5 cơn gò/10 phút với cường độ 80 – 100 mmHg;
  • Thời gian co & nghỉ của cơn co tử cung:
    • Giai đoạn tiềm thời: Thời gian co là 20 giây, thời gian nghỉ là 3 – 4 phút;
    • Giai đoạn hoạt động: Thời gian co là 30 – 40 giây, thời gian nghỉ là 2 – 3 phút;
    • Khi cổ tử cung gần trọn: Thời gian co là 40–50 giây, thời gian nghỉ là 1 phút - 1 phút 30 giây.

3.2 Cơn co tử cung bất thường

Cơn co tử cung bất thường nếu có những dấu hiệu sau:

  • Tăng trương lực cơ bản;
  • Tăng cường độ cơn co
  • Tăng tần số cơn co.

Nguyên nhân cơn co tử cung bất thường là do: Bất xứng đầu chậu, ngôi thai bất thường, nhau bong non, dùng thuốc tăng co (oxytocin) không đúng kỹ thuật, không đúng chỉ định.

4. Lưu ý theo dõi và xử trí tai biến

Trong quá trình thực hiện theo dõi tim thai đo cơn gò bằng máy monitor, không nên cho sản phụ cử động nhiều vì có thể làm thay đổi vị trí đầu dò, gây nhiễu trên giấy ghi. Nếu thấy nhịp tim thai bị nhiễu, nên kiểm tra lại vị trí đặt đầu dò và băng thun cố định đầu dò (để thấy kết quả rõ hơn). Mỗi 10 phút nên xem kết quả ghi trên giấy 1 lần, nếu xuất hiện nhịp tim thai hoặc cơn co tử cung bất thường thì cần khám lại ngay để có những biện pháp xử trí kịp thời.

Việc xử trí cần lưu ý: Do tư thế nằm ngửa nên sản phụ có thể bị choáng với những biểu hiện như huyết áp hạ, mạch nhanh, vã mồ hôi, mệt mỏi,... và thai có thể bị suy với biểu hiện nhịp tim thai chậm, kéo dài (có khi kéo dài tới vài phút). Khi phát hiện sản phụ có triệu chứng trên, cần thay đổi tư thế nằm của sản phụ với vị trí nằm nghiêng bên trái, cho sản phụ thở oxy gen. Nếu nhịp tim thai không được cải thiện thì cần phải tìm cách lấy thai ra nhanh nhất.

Theo dõi nhịp tim thai và đo cơn gò bằng máy monitor là rất cần thiết để bác sĩ phát hiện các bất thường và kịp thời xử trí, đảm bảo không gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của sản phụ và thai nhi.